Sinh viên ngành KHMT có bài báo nghiên cứu về ATTT đăng tại Hội nghị NSS 2021

RESEARCH CREW
16:53 11/09/2021

Chúc mừng nhóm sinh viên ngành Khoa học máy tính, Nguyễn Chí Vỹ - Nguyễn Hữu Quyền và nhóm nghiên cứu PTN ATTT đã có công trình nghiên cứu được chấp nhận đăng tại Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc tế NSS 2021 (15th International Conference on Network and System Security). Đây là một trong những hội nghị khoa học uy tín cao trong lĩnh vực An toàn thông tin (xếp hạng B theo chuẩn ERA).

Thông tin về bài báo như sau:

*Tiêu đề bài báo: "Federated Learning-based intrusion detection system in the context of IIoT networks: Poisoning Attack and defense"

*Sinh viên:

*GVHD: TS. Phạm Văn Hậu, ThS. Phan Thế Duy

Đây là đề tài nghiên cứu được Chí Vỹ và Hữu Quyền (sinh viên ngành Khoa học máy tính, lớp KHCL2018) thực hiện dưới sự hướng dẫn của 2 thầy trong thời gian 2 bạn tham gia nghiên cứu về công nghệ học máy – trí tuệ nhân tạo, dưới góc nhìn an toàn, bảo mật thông tin tại Phòng thí nghiệm An toàn thông tin (InSecLab).

Nghiên cứu này tập trung vào việc áp dụng phương pháp học liên kết/cộng tác (federated learning - FL) cho các trình phát hiện tấn công mạng (intrusion detection system - IDS) trong ngữ cảnh mạng Vạn vật kết nối công nghiệp (IIoT). Cách tiếp cận học liên kết/cộng tác được sử dụng để đảm bảo giảm thiểu tải lượng dữ liệu khi so sánh với cơ chế thu gom dữ liệu tập trung trong các mô hình huấn luyện truyền thống, do FL huấn luyện mô hình trực tiếp ngay tại mỗi thực thể tham gia. Ngoài ra, phương pháp này cũng đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu mạng vốn được xem là dữ liệu nhạy cảm – rất khó để người sở hữu chấp nhận chia sẻ ra bên ngoài. Do đó, học cộng tác/liên kết giúp khuyến khích các bên tham gia đóng góp vào quá trình đào tạo mô hình phát hiện xâm nhập. Bên cạnh đó, nhóm cũng thực nghiệm tấn công nhiễm độc (poisoning attack) vào các IDS sử dụng cơ chế FL bằng nhiều thủ thuật khác nhau, bao gồm mạng sinh đối kháng (GANs), chiến lược lật nhãn thay đổi mô hình học máy được đào tạo cục bộ. Sau đó, nghiên cứu xây dựng phương pháp kiểm tra – xác thực sự đóng góp của các thực thể/tổ chức/thiết bị tham gia nhằm phòng tránh loại tấn công nhiễm độc vào cơ chế học cộng tác – được biết đến trong trường hợp kẻ xấu có thể cập nhật mô hình đào tạo độc hại cho mô hình tổng hợp.

Hội nghị NSS 2021 là một hội nghị quốc tế thường niên hướng tới những nghiên cứu mới trong trong lĩnh vực Bảo mật Mạng máy tính và hệ thống. Hội nghị sẽ bao gồm các nghiên cứu về tất cả các khía cạnh lý thuyết và thực tiễn liên quan đến bảo mật mạng và hệ thống, chẳng hạn như xác thực, kiểm soát truy cập, tính khả dụng, tính toàn vẹn, quyền riêng tư, tính bảo mật, độ tin cậy và tính bền vững của hệ thống và mạng máy tính. Mục tiêu của NSS là cung cấp một diễn đàn tiên tiến hàng đầu để thúc đẩy sự tương tác giữa các nhà nghiên cứu và nhà phát triển với cộng đồng bảo mật mạng và hệ thống, đồng thời mang đến cho người tham dự cơ hội tương tác với các chuyên gia trong giới học thuật, công nghiệp và chính phủ.

Hội nghị NSS được xếp hạng B trong các hội nghị uy tín về An toàn thông tin, nó cũng nằm trong danh sách các hội nghị uy tín theo đề xuất của SCOPUS. Hội nghị NSS đã trải qua 14 lần tổ chức tại nhiều thành phố lớn trên thế giới: Melbourne, Sapporo, Hong Kong, Helsinki, Đài Bắc, New York, Tây An, Madrid, Milan, Thượng Hải, Đại Liên…. Hội nghị NSS 2021 là lần tổ chức thứ 15, sẽ diễn ra vào ngày 22-24.10.2021 tại Thiên Tân, Trung Quốc.

Thông tin về Hội nghị Khoa học quốc tế NSS 2021 xem tại đây: http://nsclab.org/nss2021/

Xin chúc mừng sự cố gắng của các bạn đã được ghi nhận, xin chúc mừng nhóm nghiên cứu InSecLab, thầy cô, anh chị đã đồng hành với nghiên cứu trong thời gian vừa qua.

TIN LIÊN QUAN
Chúc mừng học viên cao học Phạm Trần Tiến Đạt cùng nhóm nghiên cứu InsecLab đã có bài báo nghiên cứu về Phương pháp phát hiện xâm nhập được chấp nhận đăng tại Hội nghị khoa học quốc tế "the 13th International Symposium on Information and Communication Technology (SOICT 2024)"....
Theo thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện kế hoạch hợp tác giữa Hàn Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á về an toàn, an ninh mạng, Chương trình đào tạo trực tuyến an toàn thông tin ACS (ASEAN Cyber Shield) 2025 sẽ được...
Sáng nay, thứ Sáu ngày 6/12/2024, tại Phòng E10.01, CLB Wanna.W1n thuộc Phòng thí nghiệm An toàn Thông tin (UIT) đã tổ chức thành công buổi đầu tiên của chương trình TeamQ MeetUp. Sự kiện thu hút nhiều sinh viên An toàn Thông tin và các sinh viên đam mê...