Khi nói về những cách hacker có thể xâm nhập vào đời tư của bạn, bạn nghĩ ngay đến cách nào? Phải chăng là dùng mật khẩu quá dễ đoán? Hay là lợi dụng lỗ hổng bảo mật trong Windows, Android hay IOS để chiếm đoạt thông tin cá nhân? Hoặc, hacker sẽ tấn công những thiết bị thông minh trong nhà bạn như camera, loa thông minh để đạt được mục đích của chúng… Thế nhưng, một thứ giá rẻ, không hề có kết nối internet, cũng chả có bất kì con chip nào thì sao, như cái bóng đèn nhà bạn chẳng hạn? Bạn không đọc lầm đâu, người ta vừa tìm ra cách nghe lén từ khoảng cách xa đến 25m nhờ vào một cái bóng đèn treo trên trần đấy!
Các nhà nghiên cứu bảo mật thuộc đại học Ben-Gurion Negev và Viện Khoa học Weizmann (Israel) đã nghiên cứu các phương pháp nghe lén những cuộc nói chuyện mà không cần tác động vào những thứ xung quanh (như cài mã độc vào thiết bị điện tử trong phòng, gài máy nghe lén..) Chủ đề nghiên cứu này cũng không phải hiếm, như năm ngoái , đại học Michigan đã hack thành công loa thông minh (như Google Home, Amazon Alexa hoặc Apple Siri HomePod) cách … trỏ bút laser vào microphone của loa thông minh. Nhưng nghiên cứu lần này đã lên một tầm cao mới khi nạn nhân không cần bất cứ thiết bị “thông minh” nào hết, miễn là trong phòng có một bóng đèn.
Nguyên lý tấn công cũng tương đối đơn giản: Khi chúng ta nói / phát nhạc… phát ra âm thanh, các dao động âm thanh sẽ làm áp suất không khí ở bề mặt bóng đèn biến động, và làm bóng đèn rung động rất nhẹ. Sự rung động đó làm thay đổi độ sáng và có thể được cảm biến quang điện nhận biết. Các nhà nghiên cứu đã pháp triển thuật toán gọi là Lamphone , có thể "phục hồi âm thanh từ các phép đo quang học thu được từ các rung động của bóng đèn.". Các nhà nghiên cứu đã thử phát hai bài nhạc và một câu nói của Tổng thống Mỹ Donald Trump, âm thanh nghe trộm sau khi xử lý vẫn có thể được phần mềm Shazam ( một phần mềm nhận diện bài hát) nhận diện chính xác.
Dĩ nhiên, cách tấn công này đòi hỏi một vài điều kiện. Đầu tiên, hacker cần phải thấy được bóng đèn trong phòng bạn. Nếu phòng bạn che rèm, hoặc bóng đèn bị che bởi thứ gì đó, thì sẽ không thể nào thực hiện được. Sau đó, chất lượng bản nghe lén còn phụ thuộc vào bạn nói chuyện gần bóng đèn hay không, và bạn nói chuyện lớn cỡ nào. Dù sao đi nữa, đây vẫn là phương pháp gián điệp đáng chú ý khi các nhà nghiên cứu chỉ tốn gần 23 triệu đồng (1000$) cho phần cứng, đa số là dùng cho kính viễn vọng và cảm biến quang điện.
Bạn có thể xem thêm tại đây: Lamphone
PTN ATTT (TNP)